Cuộc đời và sự nghiệp Anton_Bruckner

Anton Bruckner sinh ra tại vùng quê Ansfelden thuộc Linz vào năm 1824. Cậu bé Anton đã biết chơi piano, violin, đại phong cầm, còn môn sáng tác thì tự học. Anton Bruckner học thêm lý thuyết âm nhạc ở thầy Sechter khi đã trưởng thành hơn. Từ năm 1845, Bruckner là thầy giáo và là người chơi đàn organ của tu viện, nơi mà trước đó ông là ca sĩ trong dàn hợp xướng. Năm 1856, ông là người chơi đàn organ tại nhà thờ lớn ở Linz, quê ông. Năm 1865, ông trở thành bạn thân của Richard Wagner. Năm 1868, Anton Bruckner được mời làm giáo sư các môn đàn organ và lý thuyết âm nhạc ở Nhạc viện Viên. Ông đi lưu diễn đàn organ tại Pháp (1869), Anh (1871), Thụy Sĩ (1880). Ông là tiến sĩ danh dự của Đại học Tổng hợp Viên. Ông mất vào năm 1896 tại thủ đô của nước Áo.

Cuộc đời của Bruckner thực sự là cơn ác mộng. Lúc đầu, ông chỉ là thầy giáo của tỉnh lẻ. Rồi khi trưởng thành, ông phải sống một cách chật vật (có lần chính ông than vãn: "Cứ thế này thì tôi phải đi ăn mày mất"). Sau khi biết đến Wagner, vì tính cù lần của mình, Bruckner lại tôn sùng nhà soạn nhạc người Đức đến nỗi sáng Tác bản giao hưởng Wagner (tức bản giao hưởng số 3 của ông). Ông luôn bị Eduard Hanslick, nhà phê bình âm nhạc người Đức, chỉ trích một cách quyết liệt. Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong nền âm nhạc cổ điển lúc báy giờ, cuộc chiến Wagner-Brahms bùng nổ. Wagner tiến hành cải cách nhạc cổ điển theo hướng có chương trình, trong khi Brahms lại phản đối điều này (ông theo phong cách của Beethoven nhiều hơn tính chất những trào lưu mới lúc bấy giờ). Trong khi đó, Hanslick lại theo chủ nghĩa Brahms và tôn Brahms làm biểu tượng cho những tư tưởng của mình và nhiều người khác. Chính vì vậy, Anton Bruckner bị chỉ trích là điều dễ hiểu. (Chỉ có điều, cần lưu ý rằng, các bản giao hưởng của ông ấy đều mang phong cách của Beethoven và Bramhs hơn là phong cách của Wagner (cụ thể là phong cách âm nhạc chương trình)). Tuy nhiên, Bruckner lại ngây thơ khi cho rằng đứng sau những lời chỉ trích của Hanslick là Brahms. Thế nên, hai nha soạn nhạc lớn của thế kỷ XIX xảy ra mâu thuẫn, mãi sau này mới có thể hòa giải được. Thật ra, Brahms chẳng ưa mấy chuyện bút chiến như thế cho lắm mà chỉ yêu sáng tác mà thôi. Thêm vào đó, Brahms cúng đánh giá rất cao về tài năng của nhà soạn nhạc người Áo, đặc biệt là các bản giao hưởng.

Tuy nhiên, những rắc rồi như thế chưa phải là tất cả. Khi còn ở Nhạc viện Viên, ông luôn bị một quan chức cấp cao của Nhạc viện khinh rẻ với những câu như: "Hãy ném mấy bẳn giao hưởng của ông vào sọt rác đi. Ông thà chuyển soạn mấy bản nhạc của người khác cho piano để kiếm tiền còn hơn", "Bruckner không biết chơi đàn organ" (quả thực là quá quắt, bởi vì Bruckner nổi tiếng là tay chơi organ chuyên nghiệp). Ấy là còn chưa kể chuyện ngày 16-12-1877, một trong những ngày buồn nhất của lịch sử âm nhạc thế giới. Đó là ngày ông chỉ huy bản giao hưởng Wagner của mình một cách bất đắc dĩ vì chẳng có ai dám cầm đũa cả. Khán giả đã cười ồ lên và kết thúc buổi biểu diễn, chỉ còn có mười người ở lại, chủ yếu là học trò của ông. Một trong số đó, Gustav Mahler, đã phải lên sân khấu động viên người thầy đang tuyệt vọng của mình.

Dù có nhiều điều không may mắn như vậy nhưng ông vẫn kiên trì sống,luôn đấu tranh với cuộc đời qua các bản giao hưởng. Và cuối cùng, ông đã khiến cho những nhà phê bình âm nhạc thành Viên, những người luôn chỉ trích ông, phải mệt mỏi và được công nhận tài năng.[1]